Trích dẫn tài liệu tham khảo là việc ghi lại nguồn thông tin bạn đã sử dụng trong một bài viết, nghiên cứu hoặc dự án học thuật. Việc này không chỉ giúp bạn thể hiện sự tôn trọng đối với công sức và trí tuệ của tác giả mà còn cung cấp bằng chứng để củng cố lập luận của bạn, tăng độ tin cậy và minh bạch cho bài viết.
Trong bài viết này, EXPERTCOACH chia sẻ cho bạn 3 cách trích dẫn tài liệu tham khảo đúng chuẩn theo 3 phong cách APA – MLA – CHICAGO.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TRÍCH DẪN TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lợi ích của việc trích dẫn tài liệu tham khảo đúng tiêu chuẩn
Việc trích dẫn tài liệu tham khảo không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, nó còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc giúp bạn xây dựng uy tín và giá trị cho bài viết/tiểu luận/bài báo khoa học của mình.
Trước tiên, việc bạn trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo thể hiện sự tôn trọng bản quyền, ghi nhận công sức của tác giả gốc. Đồng thời, giúp bạn tránh được các vấn đề liên quan đến vi phạm bản quyền hay đạo văn.
Thứ hai, một trích dẫn chính xác còn nâng cao độ tin cậy cho bài viết của bạn. Nó cho thấy bạn đang làm việc một cách chuyên nghiệp, minh bạch và dựa trên các nguồn thông tin đáng tin cậy. Nó giúp bạn thể hiện sự chuyên nghiệp và đạo đức trong nghiên cứu.
Thứ ba, việc trích dẫn tài liệu tham khảo đầy đủ là cách bạn hỗ trợ người đọc dễ dàng tìm kiếm, kiểm chứng và đào sâu hơn vào các thông tin liên quan. Không chỉ dừng lại ở đó, trích dẫn tài liệu tham khảo còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng nghiên cứu, tạo nên sự kết nối giữa các công trình học thuật, là cơ sở để phát triển ý tưởng mới, tạo nên sự kết nối giữa các nghiên cứu.
Bằng cách trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo đúng cách, bạn không chỉ làm tốt vai trò của mình mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển tri thức trong cộng đồng.
3 tiêu chuẩn trích dẫn phổ biến (APA, MLA, Chicago):
Trên thế giới, có nhiều phong cách trích dẫn được sử dụng tùy theo lĩnh vực hoặc yêu cầu bài viết:
- APA (American Psychological Association): Thường dùng trong khoa học xã hội, giáo dục và tâm lý học.
Ví dụ: (Nguyen, 2023, p. 45) - MLA (Modern Language Association): Phổ biến trong nhân văn và nghệ thuật.
Ví dụ: (Nguyen 45) - Chicago (Chicago Manual of Style): Được áp dụng trong lĩnh vực lịch sử, kinh tế và kinh doanh. Phong cách này nổi bật với cách trích dẫn chú thích cuối trang (footnote) hoặc danh mục tham khảo (bibliography).
Ví dụ: 1. Tran Duc Hung, Nuôi dạy con chánh niệm (NXB Dân Trí, 2023), 45.
Mỗi phong cách có những quy tắc và định dạng riêng, nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu chung: ghi nhận nguồn gốc tài liệu một cách chuyên nghiệp và dễ dàng truy xuất.
CÁCH TRÍCH DẪN TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐÚNG TIÊU CHUẨN THEO APA – MLA – CHICAGO
Phần dưới đây là chi tiết cách trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo đúng chuẩn theo 3 phong cách khác nhau.
1. Cách trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo theo APA (American Psychological Association)
Phong cách này thường được sử dụng trong các ngành khoa học xã hội, tâm lý học và giáo dục.
Trích dẫn trong văn bản:
- Cách viết:
Dùng công thức (Họ tác giả, Năm xuất bản) để chèn trích dẫn vào nội dung bài viết. Ví dụ: (Smith, 2023)
Nếu bài viết có hai tác giả, sử dụng “&” giữa hai tên, ví dụ: (Lê Văn Thịnh & Trần Đức Hưng, 2023).
Với ba tác giả trở lên, chỉ ghi tên tác giả đầu tiên kèm “et al.”, ví dụ: (Nguyễn Thị Thanh Bừng et al., 2023).
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Cách viết:
Họ, Tên viết tắt. (Năm). Tiêu đề bài báo. Tên tạp chí, Số volume(issue), Số trang. https://doi.org/xxxxx (hoặc URL) - Ví dụ:
Smith, J. (2023). The effects of mindfulness on parenting. Journal of Parenting Studies, 12(3), 45-60. https://doi.org/10.1234/jps.2023.78910
Nguồn web trực tuyến
- Cấu trúc:
Tác giả. (Năm). Tiêu đề tài liệu. Truy cập tại URL. - Ví dụ: Trần Đức Hưng (2024) Kỹ thuật đổi khung (Reframing NLP) https://hocthoimien.com/reframing-nlp/
Lưu ý khi sử dụng cách trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo theo APA:
- Đối với tài liệu không có DOI, bạn có thể dùng URL thay thế, nhưng hãy đảm bảo đường dẫn vẫn đang hoạt động.
- Nếu không tìm thấy năm xuất bản, sử dụng “n.d.” (no date), ví dụ: (Smith, n.d.).
2. Phong cách MLA (Modern Language Association)
Phong cách MLA phổ biến trong các ngành nhân văn, văn học và nghệ thuật.
Trích dẫn trong văn bản:
- Cách viết:
Dùng công thức (Họ tác giả Số trang) hoặc nếu không có số trang, chỉ ghi tên tác giả, ví dụ: (Smith).
Danh mục tài liệu tham khảo:
- Cách viết:
Họ, Tên. “Tiêu đề bài báo.” Tên tạp chí, vol. Số volume, no. Issue, Năm, pp. Số trang. DOI hoặc URL. - Ví dụ:
Smith, John. “The Effects of Mindfulness on Parenting.” Journal of Parenting Studies, vol. 12, no. 3, 2023, pp. 45-60. https://doi.org/10.1234/jps.2023.78910
Lưu ý khi sử dụng cách trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo theo MLA:
- Tiêu đề bài báo luôn được đặt trong dấu ngoặc kép (“”).
- Tên tạp chí phải được in nghiêng.
3. Phong cách Chicago (Chicago Manual of Style)
Phong cách này thường được sử dụng trong lịch sử, kinh tế và các ngành nhân văn khác, với hai hệ thống chính: chú thích cuối trang (footnote) và danh mục tham khảo (bibliography).
Trích dẫn trong văn bản (Footnote):
- Cách viết:
Sử dụng chú thích cuối trang để cung cấp thông tin chi tiết. Ví dụ:- John Smith, “The Effects of Mindfulness on Parenting,” Journal of Parenting Studies 12, no. 3 (2023): 45–60, https://doi.org/10.1234/jps.2023.78910.
Danh mục tài liệu tham khảo (Bibliography):
- Cách viết:
Họ, Tên. “Tiêu đề bài báo.” Tên tạp chí. Số volume, no. Issue (Năm): Số trang. DOI hoặc URL. - Ví dụ:
Smith, John. “The Effects of Mindfulness on Parenting.” Journal of Parenting Studies. 12, no. 3 (2023): 45-60. https://doi.org/10.1234/jps.2023.78910.
Lưu ý khi sử dụng cách trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo theo phong cách Chicago:
- Đối với hệ thống Footnote, luôn kèm số trang cụ thể trong phần trích dẫn.
- Các nguồn phải được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái trong danh mục tham khảo.
NHỮNG LỖI PHỔ BIẾN KHI TRÍCH DẪN TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ CÁCH KHẮC PHỤC:
Trích dẫn tài liệu tham khảo là một phần quan trọng trong nghiên cứu và viết lách, nhưng nhiều người thường gặp phải các lỗi sai do thiếu kinh nghiệm hoặc không nắm rõ các quy tắc. Dưới đây là các lỗi phổ biến nhất và cách khắc phục để bạn có thể trình bày tài liệu tham khảo một cách chính xác và chuyên nghiệp.
1. Quên ghi nguồn hoặc ghi thiếu thông tin
Trong quá trình viết, người viết có thể sử dụng ý tưởng, số liệu hoặc thông tin từ một tài liệu nhưng quên ghi lại nguồn hoặc ghi không đầy đủ các thông tin cần thiết như tên tác giả, năm xuất bản, hoặc tên tạp chí.
Điều này làm giảm độ tin cậy cho bài viết của bạn và có thể bị xem là vi phạm bản quyền.
Cách khắc phục:
- Lập danh sách nguồn từ đầu: Khi thu thập tài liệu, hãy ghi chú chi tiết thông tin của từng nguồn ngay lập tức, bao gồm: tác giả, tiêu đề, năm xuất bản, và URL/DOI.
- Sử dụng phần mềm quản lý tài liệu: Các công cụ như Zotero, EndNote, hoặc Mendeley có thể tự động lưu trữ và định dạng tài liệu tham khảo giúp bạn không bỏ sót bất kỳ thông tin nào.
2. Không nhất quán trong cách trình bày phong cách trích dẫn
Do không biết trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo đúng cách, một số bạn chọn cách sử dụng nhiều phong cách trích dẫn khác nhau trong một bài viết (ví dụ, có bạn kết hợp cả phong cách APA và MLA trong cùng một trang tài liệu).
Hoặc, có bạn thì không tuân thủ các quy tắc định dạng, chẳng hạn như thứ tự họ tên tác giả, cách viết tiêu đề, hoặc cách ghi số trang…
Cách khắc phục:
- Chọn phong cách ngay từ đầu: Trước khi bắt đầu viết, bạn hãy xác định rõ phong cách trích dẫn mà mình dự định sẽ sử dụng (APA, MLA, Chicago, v.v.) dựa trên yêu cầu của giáo viên, tổ chức, tác giả hoặc tòa soạn,… mà bạn gửi bài.
- Kiểm tra lại bài viết: Sau khi hoàn thành, hãy đối chiếu tất cả các trích dẫn trong bài để đảm bảo chúng tuân thủ cùng một phong cách.
- Sử dụng công cụ tạo trích dẫn: Các trang web như Citation Machine hoặc các tính năng tích hợp trong Microsoft Word có thể giúp bạn định dạng trích dẫn theo đúng phong cách.
3. Sao chép mà không ghi chú dẫn nguồn (Plagiarism)
Một trong những lỗi nghiêm trọng nhất là sao chép nguyên văn hoặc sử dụng ý tưởng của người khác mà không ghi chú rõ ràng nguồn tài liệu. Việc này khiến cho bài viết của bạn bị giảm uy tín. Thậm chí, nó còn có thể dẫn đến hậu quả pháp lý cho tài liệu bạn đang viết.
Cách khắc phục:
- Hiểu rõ định nghĩa đạo văn: Ngay cả khi bạn không sao chép nguyên văn, việc sử dụng ý tưởng của người khác mà không ghi nguồn cũng bị xem là đạo văn.
- Luôn ghi nguồn: Bất cứ khi nào bạn sử dụng ý tưởng, thông tin, hoặc số liệu không phải của mình, hãy ghi chú dẫn nguồn đầy đủ.
- Sử dụng công cụ kiểm tra đạo văn: Các phần mềm như Turnitin, Grammarly, hoặc Copyscape,…và gần đây là OpenAI,… có thể giúp bạn kiểm tra mức độ trùng lặp trong bài viết.
Tránh các lỗi sai khi trích dẫn tài liệu tham khảo không chỉ giúp bài viết của bạn chuyên nghiệp hơn, uy tín hơn. Nó còn đảm bảo việc bạn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tác giả gốc.
Bạn nên dành thời gian để học và áp dụng các quy tắc trích dẫn một cách cẩn thận, sử dụng các công cụ hỗ trợ để tối ưu hóa công việc, và luôn kiểm tra lại bài viết để tránh những lỗi không đáng có để giúp bạn xây dựng uy tín và phát triển bền vững trong nghề viết lách.
TỔNG KẾT
Trích dẫn đúng cách là nền tảng quan trọng để bảo vệ bản quyền, nâng cao uy tín và đảm bảo tính minh bạch cho bài viết của bạn.
Trong phạm vi bài viết này, EXPERTCOACH chia sẻ đến bạn 3 cách trích dẫn tài liệu tham khảo chi tiết, đúng chuẩn nhằm mục đích giúp bạn có cách tổ chức thông tin rõ ràng và dễ hiểu cho trang viết của mình.
EXPERTCOACH cũng chia sẻ đến bạn một số lỗi cơ bản thường gặp khi trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo để bạn có hướng khắc phục, tránh gặp phải những lỗi tương tự trong quá trình bạn tham khảo tài liệu của tác giả khác.
Mến chúc bạn thành công trong hành trình viết lách của mình!
EXPERTCOACH
Đồng hành cùng bạn trong quá trình viết – xuất bản & tiếp thị thành công cuốn sách của bạn.